Tang lễ truyền thống ở Hàn Quốc thường kéo dài 2-3 ngày, tương tự như ở Việt Nam. Cả hai quốc gia đều có phong tục đặt người đã khuất vào quan tài (ở Hàn Quốc gọi là Sangyeo – 상여) và tổ chức nghi thức đưa tang đến nơi chôn cất. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là trong quá trình đưa tang là người Việt thường thổi kèn, trong khi người Hàn Quốc hát bài “hò đưa tang” để cầu mong người mất về miền cực lạc. Hãy cùng YK tìm hiểu phong tục tang lễ ở Hàn Quốc như thế nào nhé.
Nội dung chính
- I. Nghi thức trong tang lễ của người Hàn Quốc
- II. Trang phục tang lễ của người Hàn Quốc
- III. Văn hóa tang lễ của người Hàn Quốc
- 3.1 Chơi bài trong tang lễ
- 3.2 Ăn uống ở tang lễ
- 3.3 Vòng hoa trắng trong tang lễ
- IV. Những lưu ý khi tham dự tang lễ Hàn Quốc
- 4.1 Trang phục
- 4.2 Tiền phúng
- 4.3 Thứ tự phúng viếng ở Hàn Quốc
I. Nghi thức trong tang lễ của người Hàn Quốc
Tương tự như ở Việt Nam, tang lễ truyền thống ở Hàn Quốc thường kéo dài 2-3 ngày. Cả hai quốc gia đều có phong tục đặt người đã khuất vào quan tài (ở Hàn Quốc gọi là Sangyeo – 상여) và tổ chức nghi thức đưa tang đến nơi chôn cất. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là trong quá trình đưa tang là người Việt thường thổi kèn, trong khi người Hàn Quốc hát bài “hò đưa tang” để cầu mong người mất về miền cực lạc.
Các nghi thức trong tang lễ của người Hàn Quốc rất phong phú và có ý nghĩa sâu sắc, phản ánh lòng kính trọng và tưởng nhớ người đã khuất. Một số nghi thức phong tục tang lễ quan trọng của người Hàn Quốc bao gồm:
- Lễ lâm chu: nghi lễ truyền thống được thực hiện ngay sau khi người mất tắt thở. Người ta sẽ sử dụng quần áo và đồ đạc của người mất để gọi hồn vía trở về. Nếu hồn vía không trở về, điều này có nghĩa là người mất đã ra đi mãi mãi. Tuy nhiên, nghi lễ này hiện nay không còn được áp dụng phổ biến do y học hiện đại đã có phương pháp kiểm tra và xác nhận sự sống hay chết.
- Lễ tắm gội: nhằm làm sạch thân thể người đã mất, giúp họ rũ bỏ mọi thứ để chuẩn bị đến với thế giới mới.
- Lễ phạm hàm: trong lễ này, người ta sẽ đặt tiền và gạo vào bên trong quan tài và miệng của người chết. Nhằm đảm bảo rằng người mất sẽ có đủ lương thực và tiền bạc trong hành trình đến thế giới bên kia.
- Nghi lễ nhập quan: là nghi lễ đưa người chết vào quan tài, là khoảnh khắc đau lòng nhất đối với người thân, vì phải chia ly ở thế giới này với người đã khuất.
- Nghi thức an táng: là nghi thức cuối cùng trong tang lễ, đưa người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng. Hiện nay, người Hàn Quốc có thể chọn giữa việc chôn cất hoặc hỏa táng.
Tìm hiểu thêm về văn hóa Hàn Quốc.
II. Trang phục tang lễ của người Hàn Quốc
Trong quá khứ, cả nam và nữ trong tang lễ của người Hàn Quốc đều phải mặc trang phục màu trắng. Màu trắng trong văn hóa Hàn Quốc tượng trưng cho sự thuần khiết và là màu truyền thống dùng trong các nghi lễ tang lễ để tỏ lòng kính trọng và tiễn đưa người đã khuất.
Sau khi Nhật Bản thống trị bán đảo Hàn Quốc, đạo luật nghi lễ tang lễ đã được thay đổi vào năm 1934 nhằm loại bỏ những nghi thức rườm rà và đắt tiền như cờ quạt, đốt vàng mã, kèn trống. Theo đạo luật mới, tang gia phải mặc trang phục màu tối thay cho màu trắng truyền thống. Nam giới đeo băng tang bên cánh tay trái. Nữ giới cài nơ tang ở trên đầu hoặc trước ngực.
Người Hàn Quốc sẽ phân biệt mối quan hệ với người đã mất bằng sọc trên băng đô. 4 sọc dành cho con trưởng, 3 sọc dành cho con con trai thứ, 2 sọc dành cho con rể và 1 sọc dành cho các cháu và anh em người đã mất. Người đưa tang chính trong gia đình tang quyến thường đeo găng tay và phụ nữ thường đeo dải băng trắng trên tóc
Sự thay đổi về trang phục và nghi thức tang lễ đã gây ra nhiều tranh luận trong xã hội Hàn Quốc. Một số nhà văn hóa cho rằng điều này đã làm mất đi văn hóa truyền thống của nước nhà. Tuy nhiên, đạo luật mới vẫn được đón nhận bởi sự đơn giản và tính văn minh, pha trộn giữa truyền thống và hiện đại trong các nghi lễ quan trọng của đời sống. Giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo ra một không khí tang lễ ít rườm rà hơn nhưng vẫn trang trọng và tôn kính.
III. Văn hóa tang lễ của người Hàn Quốc
3.1 Chơi bài trong tang lễ
Trong các tang lễ của người Hàn Quốc, việc chơi bài truyền thống Go-Stop (hay còn gọi là Hwatu) tại sảnh nhà tang lễ là một phần văn hóa khá độc đáo. Mặc dù ban đầu có thể gây cảm giác thiếu tôn trọng đối với người đã khuất, nhưng thực tế, tang lễ ở Hàn Quốc thường kéo dài 3 ngày, 2 đêm dẫn đến sự kiệt sức và mệt mỏi. Việc tụ tập chơi bài giúp mọi người lấy lại tinh thần và giữ tỉnh táo trong suốt thời gian tang lễ kéo dài.
Ngoài việc tụ tập chơi bài, người Hàn Quốc còn uống rượu Soju và trò chuyện với nhau. Mặc dù có những ý kiến trái chiều về việc này, nhưng ở Hàn Quốc, đây được coi là cách thể hiện tình cảm và sự tôn trọng đối với người đã khuất. Nó mang lại không khí ấm cúng và gần gũi, giúp người ở lại cảm thấy được an ủi và bớt cô đơn.
3.2 Ăn uống ở tang lễ
Khi tham dự một đám tang ở Hàn Quốc, bạn có thể được mời dùng bữa tại đó. Chuẩn bị một bữa ăn đơn giản là cách để tang quyến đáp lễ, thể hiện lòng biết ơn đối với người đến viếng. Việc ngồi ăn bữa này được coi là phép lịch sự, dù bạn có bận đến đâu. Bữa ăn thường bao gồm các món đơn giản như yukgaejang (canh bò cay), jeon (bánh kếp Hàn Quốc), thịt lợn luộc cắt lát và trái cây. Tang lễ “không u ám” từ lâu đã trở thành một phần của truyền thống tang lễ ở Hàn Quốc.
3.3 Vòng hoa trắng trong tang lễ
Trong tang lễ ở Hàn Quốc, vòng hoa trắng có ý nghĩa đặc biệt và mang theo nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc. Người đến tham dự tang lễ thường gửi vòng hoa tang trắng như một món quà để tạm biệt người quá cố. Vòng hoa càng nhiều, càng thể hiện được sự yêu mến và tôn kính của mọi người đối với gia quyến của người đã khuất.
Hoa tang lễ ở Hàn Quốc thường được cắm thành 3 tầng, với số lượng hoa tăng dần từ trên xuống dưới. Tầng thứ nhất: Tượng trưng cho địa phủ rộng lớn, bao la, nơi linh hồn người mất sẽ được an nghỉ. Tầng thứ hai: Tượng trưng cho trần gian, thể hiện cuộc sống và những kỷ niệm của người đã khuất khi còn sống. Tầng thứ ba: Tượng trưng cho thượng giới, nơi người mất sẽ được về với trời, an lành và thanh thản. Vòng hoa này mang ý nghĩa một kiếp người, từ lúc sinh ra từ đất, sống ở trần gian, rồi cuối cùng trở về với đất và về trời.
Văn hóa công sở của người Hàn Quốc như thế nào?
IV. Những lưu ý khi tham dự tang lễ Hàn Quốc
4.1 Trang phục
Khi đến tham dự tang lễ ở Hàn Quốc, đặc biệt nếu bạn là người nước ngoài, cần chú ý đến trang phục để thể hiện sự tôn trọng và trang nghiêm. Nam giới thường mặc áo sơ mi trắng kèm bộ vest đen để thể hiện sự chỉnh tề và nghiêm trang. Nữ giới nên chọn váy đen kín đáo, tránh đeo trang sức, đặc biệt là những món quá rườm rà.
Ngoài ra, cần tránh để lộ da trần, nên hãy mang theo đôi tất chân màu đen. Đồ đạc mang theo như ô, cặp sách, túi và giày cũng nên là màu đen để phù hợp với không khí tang lễ, tránh mang theo những vật dụng màu sắc sặc sỡ, điều này có thể phá vỡ bầu không khí trang nghiêm và đau buồn của gia đình người quá cố.
4.2 Tiền phúng
Cũng giống như ở Việt Nam, khi đến đám tang ở Hàn Quốc, mọi người thường chuẩn bị tiền viếng, được gọi là 부의금 (buigeum) hoặc 조의금 (joigeum). Số tiền cúng viếng hợp lý phụ thuộc vào mức độ thân thiết của bạn với người đã khuất. Thông thường, số tiền phúng viếng sẽ vào khoảng 50.000 KRW.
Một điểm cần lưu ý là số tiền trong phong bì nên là số lẻ, bởi vì ở Hàn Quốc số lẻ thường được sử dụng trong các sự kiện buồn nên hãy sử dụng các số lẻ như 3, 5, 7. Đặc biệt, cần tránh số tiền cúng viếng là số 4, vì số 4 có âm tương tự với chữ “tử” trong tiếng Hàn, mang ý nghĩa không tốt.
Khi phúng viếng tại đám tang ở Hàn Quốc, việc sử dụng phong bì để đựng tiền là rất quan trọng. Trên mặt trước của phong bì, bạn nên viết một trong các từ thể hiện sự chia buồn với gia quyến sau: 부의 (賻儀), 부조 (謹弔), 추모 (追慕), 추도 (追悼), 애도 (哀悼), 위령 (慰靈). Hãy viết tên của mình ở bên phải theo chiều dọc ở mặt sau của phong bì nhé.
4.3 Thứ tự phúng viếng ở Hàn Quốc
Khi tham dự tang lễ ở Hàn Quốc, có một số thứ tự và nghi thức cần lưu ý để bày tỏ sự tôn trọng và tuân theo phong tục của họ nên hãy lưu ý nhé.
- Ghi danh: đây là bước quan trọng để gia quyến ghi nhớ những ai đã tham dự lễ tang, đặc biệt khi tang gia bối rối và không thể nhớ hết mọi người.
- Thắp hương/dâng hoa: sau khi chào hỏi với người chủ tang, hãy cởi giày và bước vào phòng thờ. Đi về phía ảnh chân dung của người đã khuất và thắp hương hoặc cắm hoa cúc trên bàn thờ. Tùy vào gia đình tang gia theo đạo gì, nếu theo đạo Phật thường sẽ thắp hương, còn theo đạo Công giáo hoặc đạo Tin lành thì sẽ dâng hoa. Hãy chuẩn bị một cành hoa, hướng về phía trước ảnh thờ, cúi mặc niệm trong giây lát.
- Vái lạy: Nếu thắp hương, sau khi thắp xong bạn hãy lùi lại một bước, quỳ vái lạy hai lần (hai tay giơ ngang tầm mắt) người đã khuất, sau đó đứng lên cúi người thêm một lần nữa. Khi vái lạy, nam giới đặt tay phải lên trước tai trái, nữ giới làm ngược lại. Nếu dâng hoa thì không cần thực hiện bước này.
- Nói lời chia buồn: sau khi vái lạy xong hãy xoay người về phía gia quyến của người quá cố, cúi mặc niệm một lần nữa như lời chia buồn rồi rời đi.
- Gửi tiền phúng viếng: có thể thực hiện sau khi vào viếng xong hoặc khi ghi danh sẽ tùy từng nơi. Hãy hỏi trước người phụ trách ở bàn ghi danh để biết nhé.
- Dùng bữa: Trong phong tục văn hóa lễ tang của người Hàn Quốc, việc nán lại ít phút để dùng bữa cùng gia đình người quá cố là sự thể hiện tôn trọng, nên dù bận, hãy dành ra từ 15-20 phút ở lại nhé. Bữa cơm trong tang lễ được gia quyến chuẩn bị đơn giản gồm thịt lợn luộc, kim chi, canh bò cay,…
Trước khi ra về, bạn sẽ nhận được một chiếc hộp hoặc túi nhỏ đựng muối từ nhân viên phụ trách tang lễ. Đây là món quà đáp lễ của gia đình người đã khuất. Trước khi bước vào nhà, hãy ném muối ra sau vai để xua đuổi linh hồn.
Dù có những thay đổi nhất định theo dòng chảy của thời gian, những nghi thức cốt lõi như lễ viếng, lễ đưa tang và lễ tưởng niệm vẫn được giữ gìn và thực hiện nghiêm túc. Phong tục này không chỉ phản ánh sự tôn trọng đối với người đã khuất mà còn thể hiện lòng đoàn kết, tình cảm gia đình và ý thức cộng đồng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của người Hàn Quốc.
Liên hệ ngày với YK tại đây để giải đáp thắc mắc và tư vấn miễn phí về du học Hàn Quốc ngay nhé~
_____________________________________________
Viện tư vấn du học YK Education – Văn phòng Đại diện của nhiều trường Đại học Hàn Quốc tại Việt Nam
- Địa chỉ: 165 đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM
- Email: ykeduinvn@gmail.com
- Website: https://duhocyk.edu.vn
- Facebook: YK Education – Du học Hàn Quốc
- Hotline: 0703.488.486 (Mrs. Ly)
- Zalo: 0703.488.486
- Skype: ykeducation